Ngày càng nhiều nhà sản xuất đến với Đông Nam Á, cuối cùng sẽ dẫn đến sự thay thế Trung Quốc, vốn đang được coi là công xưởng của thế giới,Bloomberg nhận định.
Các đơn hàng của Trung Quốc đang dần chuyển sang Đông Nam Á, nơi có chi phí thấp hơn. |
Cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á đang vươn lên để trở thành trụ cột thứ ba cho tăng trưởng khu vực, sau Trung Quốc và Ấn Độ, kinh tế trưởng của ANZ Glenn Maguire cho biết. Đến năm 2030, hơn một nửa số dân Đông Nam Á dưới 30 tuổi, trở thành tầng lớp trung lưu mới nổi với mức tiêu dùng cao.
"Chúng tôi tin rằng khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp quản vai trò công xưởng thế giới từ Trung Quốc trong 10-15 năm tới, khi các doanh nghiệp dịch chuyển để tận dụng lợi thế lao động giá rẻ và dồi dào tại khu vực như sông Mekong", ANZ nhận định.
Sự chuyển giao này đến từ việc kết nối thuận lợi trong khu vực, đó là những quốc gia có chi phí lao động thấp như Myanmar, Campuchia và Lào cùng các nước đang có nền sản xuất hiệu quả như Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippines hay các dây chuyền ở Singapore hay Malaysia.
Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ thành lập vào cuối năm 2015, hứa hẹn mở ra cơ hội chuyển dịch tự do hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động giữa các quốc gia thành viên.
Nhờ đó, thương mại nội khối có thể lên tới 1.000 tỷ USD vào năm 2025, ANZ dự báo. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ASEAN cũng có thể lên tới 106 tỷ USD vào năm 2025, lớn hơn nhiều con số đầu tư vào Trung Quốc.
"Hầu hết các nước thành viên của ASEAN đều nằm ở ngã ba của Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương", ANZ nhận xét. Với lợi thế về các tuyến đường bộ và hàng hải, ASEAN có thể tham gia vào mạng lưới sản xuất mở rộng của châu Á.
Huyền Thư