Việt Nam là cỗ máy sản xuất mới tại châu Á

Việt Nam là cỗ máy sản xuất mới tại châu Á

Nếu trước đây, khi nghĩ tới gã khổng lồ sản xuất châu Á, người ta nhớ đến Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan, thì giờ cái tên nổi lên chính là Việt Nam, theo nhận định của Bloomberg.

Sụt nhẹ trong tháng 3/2015, song việc chỉ số sản xuất (PMI) của Việt Nam liên tục ở trên ngưỡng mở rộng (50 điểm) từ tháng 8/2013 là điều chưa quốc gia châu Á nào từng đạt được. Trong khi đó, PMI của Trung Quốc đã giảm 8 tháng trong cùng thời gian đó. Còn Thái Lan thậm chí co lại tới 22 tháng.

"Mấu chốt của sự cải thiện gần đây là cả sản lượng và đơn hàng mới đều tăng", HSBC and Markit cho biết trong báo cáo PMI tháng 3 của Việt Nam. Các công ty cũng có khả năng duy trì đơn hàng mới từ cả khách hàng trong nước và nước ngoài. "Giá hàng hóa giảm trên toàn cầu giảm đã khiến chi phí đầu vào thấp hơn", Andrew Harker - chuyên gia kinh tế cấp cao tại Markit cho biết.

vn-china-7649-1427951275.jpg

Năm ngoái, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ trong khối ASEAN. Với vị trí chiến lược, dân số trẻ và chi phí thấp hơn Trung Quốc, Việt Nam đang thu hút sự chú ý của nhiều hãng điện tử, như Samsung Electronics, Intel và Siemens, bên cạnh các hãng sản xuất giày dép và dệt may.

Lương nhân công ở Việt Nam khá thấp, chỉ khoảng 197 USD một tháng năm 2013, so với 391 USD của Thái Lan và 613 USD tại Trung Quốc, theo số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Dân số tại đây cũng trẻ hơn, với chỉ khoảng 6% trên 65 tuổi. Tỷ lệ này tại Trung Quốc và Thái Lan vào khoảng 10% và Hàn Quốc là gần 13%.

Phần lớn hoạt động tại Việt Nam hiện vẫn là sản xuất giá trị thấp trong ngành dệt may, nội thất và điện tử. Tuy nhiên, Bloomberg cho rằng việc này có thể thay thôi khi các công ty đang đầu tư vào đào tạo lao động và nghiên cứu - phát triển sản phẩm (R&D).

Hà Thu