Nghiên cứu thêm gói tín dụng cho lĩnh vực giao thông
Thứ tư, 4/3/2015 | 18:42 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebookChia sẻ bài viết lên twitterChia sẻ bài viết lên google+|PrintEmail

Nghiên cứu thêm gói tín dụng cho lĩnh vực giao thông

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải và các bên liên quan nghiên cứu đề xuất gói tín dụng cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.

Thông tin trên được đưa ra trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 3 được Văn phòng Chính phủ phát đi hôm nay (4/3), trong bối cảnh Bộ Giao thông vận tải được chỉ đạo phải đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình trọng điểm.

giao-thong-5508-1425469057.jpg

Ngành giao thông cần vốn tín dụng để hoàn thành các công trình trọng điểm.

Trước đó, một lượng lớn vốn tín dụng được cho là lớn nhất từ trước đến nay đã đổ vào lĩnh vực giao thông để phục vụ cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng... Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình từng chia sẻ đến đến hết 2013, tổng vốn đầu tư cho giao thông toàn quốc đạt trên 400.000 tỷ đồng, hay chỉ tính riêng 53 dự án mà Bộ Giao thông đang quản lý, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết nguồn tiền vay từ ngân hàng đã vượt 100.000 tỷ đồng.

Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư chủ trì, phối hợp với bên liên quan triển khai hiệu quả Luật đầu tư công, đẩy mạnh hợp tác theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và các hình thức đầu tư không sử dụng vốn nhà nước để đáp ứng vốn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ, ưu tiên vốn tín dụng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Hệ thống tổ chức tín dụng sẽ được sắp xếp lại theo hướng kiên quyết cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% cuối năm 2015. 

Ngoài ra, các Bộ, ngành, địa phương phải có các giải pháp cụ thể, thiết thực để tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi nhất cho phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp. Trong đó, trọng tâm là rà soát, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tập trung cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành.

Phương Linh